top of page

Bạn làm một điều gì đó vẫn hơn là không làm gì

Ảnh: Canvas

Sau khoảng thời gian tập trung toàn thời gian cho việc chăm sóc con, bạn bắt đầu quay trở lại công việc với một khởi đầu không tệ. Thời gian đầu mọi việc khá ổn, trong đầu bạn tuôn ra rất nhiều ý tưởng và câu chữ, dường như bạn chỉ cần dành thời gian ngồi và việc chứ không phải suy nghĩ nhiều. Thế nhưng, thực tế thì không có miếng bánh nào dễ ăn cả. Bạn còn một cậu con trai đang ở giai đoạn không thể chơi yên ổn nếu không có gì đó thật thu hút nó hoặc bị nó thu hút, tức là con buộc phải có thứ gì đó để nghịch ngợm hoặc phải có ai đó ngồi cùng và nhìn con nghịch ngợm. Một em bé biết chơi tự lập bị đánh tráo bởi một em bé với những nhu cầu đơn giản nhưng người lớn khó có thể chiều theo. Bạn đã mất vài ngày chỉ để lên ý tưởng và note lại thay vì được ngồi vào bàn thực hiện nó. Ban đầu mọi việc vẫn có thể cố gắng chịu đựng và kiềm chế. Nhưng và ngày tiếp theo thì không dễ chịu chút nào. Việc phải chứng kiến mọi người cứ tiếp tục công việc của mình, còn bạn thì dường như bị ghìm chân lại. Việc phải giằng co giữa công việc của bản thân và con cái không phải là lần đầu bạn đối mặt, cũng không phải việc của riêng mình bạn trải qua. Tất cả những người phụ nữ quyết định làm mẹ đều đã từng, đang và sẽ đối mặt với việc phải trì hoãn sự phát triển của bản thân.



Trên trang cá nhân, bạn từng đăng rất nhiều hình ảnh và clip con mình ăn tốt, chơi giỏi, làm nhiều trò đáng yêu. Những khoảnh khắc vui vẻ và tích cực khiến cho bạn bè đồng lứa cảm thấy bạn làm mẹ sao mà suôn sẻ, dường như cái gì bạn cũng biết. Mọi người tìm bạn để hỏi về kinh nghiệm chăm sóc con. Bạn vui và tự hào vì điều đó. Thậm chí có một, hai cô bạn còn dùng những từ ngữ có cánh khác như “mẹ google”, “mẹ thiên tài”. Không ai biết, bạn chỉ muốn cho những người thân, họ hàng ở xa có thể thấy cuộc sống của mẹ con bạn rất tốt, đừng lo lắng gì cả, cũng là tự động viên bản thân rằng: “Mày đã làm tốt”. Thực ra chuyện gì cũng có quá trình của nó và cũng không dễ dàng. Bạn cũng có những giai đoạn rơi vào cảm giác rối trí, khủng hoảng, thậm chí còn thái quá hơn mọi người bởi thực sự bạn không phải là một người sẵn sàng dành hết toàn bộ sức lực và tâm trí cho chuyện nội trợ con cái.

Ảnh: Unsplash

Bạn là người thích tự vạch ra kế hoạch trong cuộc sống của mình. Bạn không chi tiết đến mức viết nó ra cụ thể với những mốc thời gian, nhưng chí ít sẽ có các đầu việc và dự định khoảng thời gian bao lâu. Khi biết mình mang thai, bạn đã biết mình phải đi khám, sau đó là tìm hiểu mọi thứ từ lịch trình khám thai, đọc sách nuôi con, sách cũng có theo giai đoạn chăm sóc sơ sinh, ăn dặm cho đến giáo dục sớm, sinh con ở đâu, chi phí bao nhiêu, mua đồ gì cần, đồ gì không cần và cũng tính toán chi phí. Mọi việc diễn ra đúng như kế hoạch, đối với một người làm mẹ lần đầu, bạn cảm thấy càng tự tin hơn với những gì mình đã chuẩn bị. Tương tự, bạn cũng lên kế hoạch về việc đi làm lại khi con được khoảng chín - mười tháng tuổi. Có lẽ chừng đó là đủ, bạn sẽ rèn con ăn uống thật tốt để không gây nhiều phiền toái cho người giúp bạn trông con. Không may là dịch covid quá căng thẳng, trường lớp không mở, người lớn trong nhà cũng cảm thấy ái ngại với việc trông trẻ, bởi vậy bạn trì hoãn việc quay trở lại đi làm. Cố tình làm theo ý mình, không phải bạn không thể, chỉ là kết quả của việc ép buộc cũng không có gì tốt. Bạn lại là người tự trọng, mình sinh con ra, mình chăm sóc nó được. Quyết định này không dễ như thể chỉ nói một câu là xong. bạn không thuộc diện gia đình có cơ cấu. Từ khi đi học đại học cho đến khi đi làm chính thức, hướng đi, cách để đạt được điều mình muốn đều phải tự thân vận động. Bạn là người dùng thực lực để kiếm việc, bạn biết chuyện nghỉ làm quá lâu sẽ mang đến điều gì bất lợi. Không phải là chỗ làm cũ cho bạn “bay màu” thì sẽ là chỗ mới không chấp nhận một người ở nhà quá lâu, không cập nhật thêm điều gì mới. Mỗi một năm trôi qua là một thế hệ mới ra trường, người không biết gì rất nhiều, nhưng người giỏi thì lại giỏi hơn hẳn thế hệ trước. Cơ hội học tập và làm việc đến với thế hệ trẻ của bây giờ từ ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường chứ không phải đợi đến khi thực tập hay nhận bằng tốt nghiệp. Bạn còn cảm thấy tình hình dịch bệnh đã kìm hãm bớt tốc độ phát triển nhân lực này lại rồi. Nếu không có dịch bệnh, chỉ ba tháng cũng đủ biến ai đó thành “tối cổ” chứ không nói đến sáu tháng hay chín tháng.


Điều tất yếu của những cảm xúc và suy nghĩ giằng co trong nội tâm sẽ khiến lý trí bạn xáo trộn. Người đứng ngoài có thể thấy bạn bình thản, nhưng hễ mỗi lần có ai hỏi đi làm chưa là trong lòng bạn cảm thấy muốn phát điên lên. Hai chữ “đi làm” như một cái công tắc, chạm đến là đứng ngồi không yên, dậy sóng trong lòng của kẻ mang tư tưởng sống độc lập như bạn. Có một số lần bạn phải nổi cáu với chồng con vì những cảm xúc và suy nghĩ rối loạn. Có những người không bao giờ sẵn sàng giúp gì cho bạn lại nghĩ bạn đang ở nhà hưởng thụ cảm giác được chồng nuôi mà còn giở trò quái thai, chỉ mong chồng bạn không “hứng” bạn nữa. Mọi thứ ngoại cảnh tác động giúp kích thích cảm giác điên rồ trong bạn muốn phá xiềng xích để xông ra. Chẳng mấy đã đến thời điểm bé con đủ tháng tuổi để gửi lớp tư nhân, nhưng trường lớp vẫn chưa được phép hoạt động. Nếu bạn muốn gửi “chui” thì có nơi nhận, chỉ là, nếu con bạn có bề gì tại lớp học, không ai bênh được bạn, làm gì có ai cho đi lớp đâu mà đi, có gan lách luật thì gắng tự chịu.

Ảnh: Canvas

Sau vài lần tâm trạng cứ khủng hoảng rồi lại ổn định, cũng nhờ bạn có phúc đức của mẹ đẻ, lấy được người chồng kiên nhẫn và hiểu chuyện, sóng cứ nổi lên thì lại phải lặn. Kể ra thì từ khi cưới đến giờ, chưa khi nào hai vợ chồng to tiếng, chỉ là uất ức thì hết ngúng nguẩy đến kể lể, than vãn thôi. Bạn trấn an bản thân phải bình tĩnh và lý trí hơn, cảm xúc không khiến cho bạn nhận được sự giúp đỡ nào cả. Bạn đã quen tự mình giải quyết mọi vấn đề của bản thân từ lâu rồi, chỉ khi có một người chồng có thể dựa dẫm, bạn lại trở nên yếu đuối như vậy. Bạn cố gắng tìm cách để kiểm soát lại tâm trạng của mình. Bạn đọc sách nhiều hơn để khiến mình không còn thời gian nghĩ lung tung. Khi bạn khó tập trung, bạn nghe nhạc và xem bộ phim nào đó, dành thời gian gọi điện nói chuyện với người thân. Dần dần bạn cũng bình ổn hơn. Sau này, khi nào cảm thấy sắp mất kiềm chế, bạn lại vội vã kiếm thứ gì đó để đọc. Đọc sách khiến bạn không cảm thấy mình ngốc nữa, không cảm thấy bị tụt lại phía sau quá nhiều. Cũng phải, muốn đi làm trở lại, phải bồi dưỡng chuyên môn thật tốt. Bạn không thể đi học, thì học online, mua sách, trau dồi kinh nghiệm sống, hiểu biết và kỹ năng nghề nghiệp. Không bao lâu sau, bạn cảm thấy mình tỉnh táo hơn nhiều, có hướng đi, có dự định và bạn nóng lòng thực hiện nó.


Bạn tìm được công việc thuộc một mảng trong chuyên ngành trước đây bạn học, bạn lên kế hoạch để thực hiện nó. Bỗng nhiên căn hầm u tối bạn đang đi xuất hiện một lối đi hắt ánh sáng le lói. Chưa bao giờ bạn tự tin như lúc này, bạn có kế hoạch cho sở thích của mình, kế hoạch tạo dựng thế giới nhỏ cho tâm hồn của mình, kế hoạch để kinh doanh phát triển năng lực tài chính cho bản thân. Chỉ là để thực hiện nó, bạn vẫn đang phải điều tiết cùng với việc chăm sóc một đứa bé. Việc phải song song hai công việc là chăm sóc con cái và kế hoạch công việc của bản thân là khó khăn chứ không phải dễ. Áp lực của chính mình cũng đủ nặng chứ không nói đến từ bên ngoài. Nhưng bạn nghĩ: “dù sao thì làm một điều gì đó vẫn hơn là không làm gì”. Khởi đầu bao giờ cũng khó khăn, có hướng đi, có kế hoạch vẫn hơn là không có gì. Coi như “phanh hãm” này giúp cho mình có thêm kiên nhẫn để cân, đo, đong, đếm lại mọi thứ, chậm mà chắc. Cuộc sống ngoài kia có trôi đi nhanh đến đâu, mình cố gắng đuổi theo đến mấy cũng không kịp, mà không biết mình phải đuổi theo cái gì. Bạn cố gắng giữ tốc độ và mục tiêu của mình, đi con đường của mình vậy. Bạn sẽ vẫn có lúc cảm thấy không đủ năng lượng, không đủ tích cực, nhưng bạn đã biết cách để khống chế nó, bạn cảm thấy phải tin bản thân thì mới có thể làm được điều mình muốn. Nhất định một ngày, bạn sẽ đạt được những điều đó.


blog-mon.jpg

Blogger: Bùi Bích Ngọc

Bút danh: Diệp Hạ

Blogger- Freelance Writer

 

For work: 

Website:     Diệp Hạ Writer

Gmail:         diepha.writer@gmail.com

Facebook:  Bích Ngọc

Instagram: diepha.writer

Buy me a coffee

z4263648679260_7933fac89ea673d53c2d3be74aefe848_edited.jpg
bottom of page